Anh Nguyễn Văn H với chị Nguyễn Thị V kết hôn năm 2017 tại UBND Phường Q, thành Phố V, tỉnh VP. Anh H và chị V có 02 người con chung. Đầu năm 2022 anh chị ly hôn. Chị V được quyền nuôi cháu Nguyễn Ngọc D, nhưng nhiều lần ngăn cản quyền được thăm và chăm sóc cháu D của anh H, dẫn đến anh H khởi kiện đề nghị tòa án thành phố V thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Chị V quê ở NĐ, khi kết hôn với anh H về sống tại phường Q, thành phố V, tỉnh VP và nhập hộ khẩu về gia đình anh H. Sau ly hôn với anh H, chị H đưa cháu Nguyễn Ngọc D thuê nhà tại quận H, thành phố HN để sinh sống và cho cháu D đi học tại đây.
Anh H tiếp tục sinh sống và làm việc tại VP, thu nhập khá cao. Chị V, anh H thỏa thuận do cháu D là con gái ở với mẹ phù hợp hơn, thỏa thuận của chị V, anh H là tự nguyện, không trái quy định pháp luật nên được Tòa án chấp nhận. Anh H được quyền thăm con mà không ai được cản trở.
Tuy nhiên, từ khi ly hôn đến nay, anh H cho biết, anh đã nhiều lần liên hệ để thăm và chăm sóc cháu D đều bị chị V ngăn cản. Trong đơn khởi kiện, anh H viết: Vì đặc thù công việc kinh doanh nên anh thường xuyên đi lại giữa VP và HN. Mỗi lần đến HN, anh H đều liên hệ với chị V để gặp con, nhưng đều không được đáp ứng. Có lần anh H cùng mẹ và cháu B từ VP xuống HN để thăm cháu D cũng bị ngăn cản. Bà cháu, chị em không được gặp nhau. Thậm chí có lần anh H bị chửi bới, hành hung...
Lần nào anh đến thăm con chị V cũng viện lý do như: Đang đưa con đi mua đồ, hôm nay chủ nhật đưa con đi chơi… để không cho cha con gặp nhau. Thời gian dài không được gặp con dù ở rất gần khiến anh H vô cùng đau khổ.
Hiện nay, qua tìm hiểu anh được biết chị V đang chung sống cùng 01 người đàn ông khác, chị V không có việc làm ổn định, không còn thuê nhà ở quận H từ tháng 10/2022 nên cháu D về ở cùng bà M mẹ chị V tại quận N, thành phố HN (mẹ chị V thuê nhà trọ ở). Do phải chuyển chỗ ở nêncháu D không còn được đi học, có biểu hiện bệnh tăng động, nên bà M anh báo anh H đưa cháu D đi khám bệnh.
Vì vậy, ngày 13/4/2023 anh H, thông qua đại diện theo uỷ quyền, đã nộp đơn khởi kiện đòi quyền được nuôi con gửi TAND thành phố V yêu cầu Toà án giao cháu D cho anh được quyền trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Anh H xin bảo đảm luôn tạo điều kiện cho chị V thực hiện quyền thăm nom, không yêu cầu chị V phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Ngày 15/5/2023 TAND thành phố V, tỉnh VP đã thụ lý vụ án “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn”.Ngày 3/7/2023, TAND thành phố V, tỉnh VP tiến hành hoà giải về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn”.
Nguyên đơn là anh H trình bày, từ khi ly hôn đến nay, anh nhiều lần liên hệ để thăm và chăm sóc con đều bị chị V ngăn cản. Theo anh H, việc nuôi dưỡng của chị V đối với cháu D không tốt và chị V hiện tại không có nhà riêng, không dành thời gian chăm sóc cháu D, nên ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu D.
Anh H hiện đang làm việc cho công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại VP. Việc anh H xin được quyền trực tiếp nuôi cháu D vì anh H có đủ điều kiện chữa bệnh, nuôi con, có việc làm, thu nhập ổn định, nơi ở ổn định. Hơn nữa, cháu D được về sống với anh thì hai chị em cháu D không bị xa cách.
Về bị đơn chị V cho rằng, trong suốt quá trình nuôi con, Chị V đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình nên không đồng ý để anh H nuôi cháu D.
Buổi hòa giải không thành, như vậy vụ án sẽ được đưa ra xét xử.
Quy định của pháp luật
Pháp luật về hôn nhân gia đình của Việt Nam, cụ thể là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 tại các Điều 71, 81, 82, 83 có những quy định khá cụ thể, chi tiết về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con; con đối với cha mẹ. Trong đó có quy định về nuôi con, thăm con, chăm sóc giáo dục con sau khi hai vợ chồng ly hôn.
Điều 71 của Luật quy định: Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, Điều 81 quy định: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên… theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Đối với cha, mẹ không trực tiếp nuôi con, Điều 82 cũng quy định: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Điều 83 quy định: Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, luật đã có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ cuộc sống của người con sau khi cha mẹ ly hôn, bảo đảm cho con được cả cha và mẹ cùng chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển bình thường như những trẻ em khác, giảm thiểu tổn thương cho con.
Theo Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau là một trong những hành vi bạo lực gia đình.
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại Điều 53: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của Tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Ngăn cản quyền gặp con:
Mặc dù các quy định của pháp luật đã khá cụ thể, khi xét xử các vụ án hôn nhân gia đình, Tòa án đã giải thích và ghi trong bản án, quyết định về quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con, nhưng trong thực tế thì quy định này dễ bị vi phạm, mà vụ án dưới đây là trường hợp khá điển hình.
Quyền và lợi ích chính đáng của các bên:
Pháp luật về hôn nhân gia đình và trẻ em đã quy định chi tiết, cụ thể về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Tìm mọi cách để ngăn cản con không cho gặp cha, mẹ sau khi ly hôn không chỉ làm tổn thương người làm cha, mẹ, mà quan trọng hơn, còn khiến những đứa con mất đi cái quyền được chăm sóc, được thương yêu. Luật cũng quy định vợ/ chồng phải tôn trọng quyền được nuôi con của người được Tòa giao nuôi con, quyền được thăm con và nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con.
Trong vụ việc này, chị V đang trực tiếp nuôi dưỡng cháu D, nên sau khi ly hôn, anh H (người không trực tiếp nuôi con) hoàn toàn có quyền, nghĩa vụ thăm nom cháu D mà chị V đang nuôi, không ai có quyền cản trở, như bản án đã nêu rõ.
Việc chị V viện nhiều lý do cản trở việc gặp gỡ của anh H và cháu D được xác định là hành vi trái pháp luật.
Mỗi em bé được sinh ra đều cần được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ, môi trường sống đảm bảo để trưởng thành. Chẳng ai mong cuộc hôn nhân của mình đổ vỡ, nhưng khi đã không cho các con được một gia đình đầy đủ, các ông bố, bà mẹ nên vì quyền lợi của con, hành xử văn minh và không vi phạm pháp luật.
Vụ án chắc chắn sẽ được Tòa án phán xử thấu tình đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và để cháu D có môi trường phát triển tốt nhất. Đó có lẽ cũng là mong muốn chung của người làm cha, làm mẹ sau mỗi cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Vậy là từ sự cố chấp, không chấp hành bản án và quy định của pháp luật về quyền thăm nom, chăm sóc của người cha, chị V lại phải đối diện với một vụ kiện, cháu D lại thêm một lần tồn thương. Vụ án này âu cũng là bài học chung về chấp hành và hiểu biết pháp luật…
Trợ giúp viên pháp lý - Trần Thị Ngân