Tình huống 1: Theo quy định của pháp luật, chị tôi được nghỉ thai sản 06 tháng. Nhưng sau khi sinh con được 5 tháng chị tôi thấy sức khỏe đã hồi phục và con nhỏ đã có bà trông, nên chị tôi muốn đi làm lại. Theo quy định của Bộ Luật lao động đi làm sớm hơn, chị tôi có được hưởng trợ cấp thai sản trong 01 tháng chênh lệch không?
Gợi ý trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2019 thì chị vẫn được hưởng trợ cấp thai sản trong 01 tháng chị đi làm sớm hơn, theo quy định của bảo hiểm xã hội. Cụ thể:
1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại mục 1 nêu trên, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại mục 1 nêu trên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Tình huống 2. Do hoàn cảnh gia đình nên em Bình, 16 tuổi đã phải nghỉ học và tìm kiếm công việc làm để nuôi mình và phụ giúp gia đình. Vì có sức khỏe, vóc dáng cao to hơn tuổi, nên em muốn xin đi làm ở công trường xây dựng, do nghe nói ở đây lương cao, được nuôi ăn. Gia đình không muốn cho đi vì sợ quá vất vả và nguy hiểm cho em. Theo quy định của Bộ luật lao động, Bình có được nhận vào công trường xây dựng làm việc không?
Gợi ý trả lời:
Tại Điều 147, Bộ Luật lao động quy định công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi như sau:
1. Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc sau đây:
- Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên;
- Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác;
- Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ;
- Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc;
- Phá dỡ các công trình xây dựng;
- Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại;
- Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ;
- Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.
2. Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc ở các nơi sau đây:
- Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm;
- Công trường xây dựng;
- Cơ sở giết mổ gia súc;
- Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử;
- Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.
Như vậy, Em Bình sẽ không được nhận vào làm tại công trường xây dựng vì đó là nơi cấm người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc.
Tình huống 3. Bác tôi là cán bộ đã nghỉ hưu (theo quy định của nhà nước), do ở nhà buồn và vẫn còn sức khỏe nên bác tôi xin đi làm bảo vệ cho một công ty ở gần nhà. Lần đầu tiên, Bác tôi ký kết hợp lao động 01 năm, sau đó thấy Bác làm tốt họ tiếp tục cho ký hợp đồng lao động. Bác tôi muốn ký hợp đồng lao động 01 năm, nếu còn sức khỏe thì làm tiếp, không thì nghỉ. Nhưng quản lý công ty nói theo luật hiện nay chỉ được ký hợp đồng xác định thời hạn một lần, sau đó là hợp đồng không xác định thời hạn. Vậy Bộ luật lao động quy định về việc này như thế nào?
Gợi ý trả lời:
Tại Điều 148, Bộ Luật lao động quy định như sau: Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này. Như vậy, theo luật lao động bác là người lao động cao tuổi
Tại Điều 149, Bộ Luật lao động quy định về sử dụng người lao động cao tuổi như sau:
1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Vậy, Quản lý công ty nói như vậy là chưa đúng đối với trường hợp của bác. Theo quy định thì bác đã nghỉ hưu và vẫn tiếp tục đi làm. Với người lao động cao tuổi thì bác và Công ty có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Tình huống 4. Bà Hoan có xưởng làm thùng giấy, hộp cát tông để phục vụ cho đựng bánh kẹo.Do lượng đơn đặt hàng nhiều, quá tải, Bà muốn thuê thêm người làm. Vì công việc cũng đơn giản nên có rất nhiều các cháu học sinh đến xin làm, công việc phù hợp cho cả hai bên. Những Bà vẫn lo lắng khi thuê các cháu học sinh thì cần có những thủ tục gì không để đảm bảo đúng quy định của Bộ luật lao động?
Gợi ý trả lời:
Tại Điều 145, Bộ Luật lao động quy định về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc như sau:
1. Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:
a) Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
b) Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;
c) Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng;
d) Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.
2. Người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo quy định tại khoản 3 Điều 143 của Bộ luật này.
3. Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tình huống 5. Xí nghiệp may của tôi hiện nay đang có 300 công nhân nữ, để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, xin cho biết trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ được quy định trong Bộ luật lao động như thế nào?
Gợi ý trả lời:
Tại Điều 136 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ như sau:
1. Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
2. Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
3. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc.
4. Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.
Ngoài ra tại Điều 137, Bộ luật lao động quy định về bảo vệ thai sản cho lao động nữ như sau:
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
- Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
4. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.