Một số tình huống pháp luật về hôn nhân, gia đình, nuôi con nuôi

Tình huống 1. Vợ tôi bị bệnh thành tử cung mỏng, bác sĩ bảo không được phép có thai vì rất dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Vợ tôi đã nhờ đứa em họ xa mang thai hộ, cô ấy đã đồng ý, chồng cô ấy cũng bằng lòng và viết giấy cam kết. Sau khi thực hiện các thủ thuật xong tại Bệnh viện C, cô ấy đã mang thai bé trai. Từ lúc biết đứa bé trong bụng là con trai, cô ấy đã có thái độ khác hẳn, không hợp tác với vợ chồng tôi. Khi sinh cháu ra, cô ấy nhất định không chịu trả con cho vợ chồng tôi vì cô ấy đã đẻ 04 lần, toàn con gái. Xin hỏi, pháp luật quy định trường hợp nhờ mang thai hộ như tôi thì xác định cha mẹ đứa trẻ như thế nào? Tôi phải làm gì?

Gợi ý trả lời:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cho phép những cặp vợ chồng hiếm muộn có thể có con bằng phương pháp nhờ người mang thai hộ. Để giải quyết tranh chấp về xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Điều 94 của Luật này quy định “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”.

Luật này cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ tại Điều 97, 98.

Như vậy, bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có quyền và nghĩa vụ sau:

- Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.

- Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.

- Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

- Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

- Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.

Bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có quyền và nghĩa vụ sau:

- Bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

- Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

- Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.

- Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.

Luật đã quy định rõ bên mang thai hộ có nghĩa vụ phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con.

Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con; bên mang thai hộ từ chối giao con thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án can thiệp, giải quyết.

Vậy, vợ chồng ông (bà) có thể nhờ Tổ hòa giải ở địa phương hòa giải tranh chấp hoặc nhờ chính quyền Ủy ban nhân dân cấp xã can thiệp, giải quyết hoặc khởi kiện vụ việc ra Tòa án để buộc cô em họ xa bên vợ giao con cho hai vợ chồng theo đúng quy định pháp luật và thỏa thuận giữa hai bên.

Tình huống 2. Vợ chồng tôi hiếm muộn do vợ tôi bị tắc vòi trứng (đã mổ điều trị nhưng được). Vợ tôi muốn nhờ người em họ mang thai hộ. Để tránh tranh chấp sau khi sinh con, chúng tôi nên làm gì?

Gợi ý trả lời:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rõ “Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản” (Khoản 1 Điều 95).

Để tránh tranh chấp về con trong trường hợp mang thai hộ, bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ phải lập bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định một trong những giấy tờ phải có trong hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là “Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này”

Nội dung của thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

- Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ (họ tên vợ, họ tên chồng; ngày tháng năm sinh; hộ khẩu; nơi ở hiện tại; số chứng minh nhân dân).

- Thông tin đầy đủ về bên mang thai hộ (họ tên vợ, họ tên chồng; ngày tháng năm sinh; hộ khẩu; nơi ở hiện tại; số chứng minh nhân dân).

- Cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 97 và Điều 98 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

- Việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan;

- Trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận.

Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý.

 Trong trường hợp thỏa thuận về mang thai hộ giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế này.

Như vậy, để tránh những tranh chấp về sau thì vợ chồng bạn phải lập bản thỏa thuận về mang thai hộ và cùng vợ chồng người mang thai hộ ra phòng công chứng để thực hiện tại phòng công chứng.

Tình huống 3. Tôi tìm hiểu và được biết rằng Nhà nước đã cho phép những cặp vợ chồng vô sinh được áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách xin tinh trùng, noãn, phôi từ Bệnh viện. Như vậy, tôi  sợ rằng về sau rất dễ nảy sinh hiện tượng hôn nhân cận huyết do những đứa trẻ sinh ra cùng một mẫu tinh trùng do cùng một người nam hiến tặng lại kết hôn với nhau. Đề nghị cho biết Nhà nước có tính đến trường hợp này không? Giải pháp nào để ngăn ngừa trường hợp này?

Gợi ý trả lời:

Khi xây dựng Luật hôn nhân và gia đình, các chuyên gia, nhà làm luật đã tính đến trường hợp hôn nhân cận huyết do những đứa trẻ sinh ra cùng một mẫu tinh trùng do cùng một người nam hiến tặng hoặc cùng một mẫu noãn do cùng một người nữ hiến tặng lại kết hôn với nhau.

Để tránh nguy cơ này, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định:

- Người cho tinh trùng, cho noãn tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (Khoản 2 Điều 4 Nghị định).

- Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học (Khoản 4 Điều 4 của Nghị định).

Tình huống 4. Vợ chồng anh Ngọc ở cạnh nhà tôi đã kết hôn 10 năm mà chưa có con, mặc dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. Vợ anh Ngọc dự định gửi tinh trùng của chồng vào bệnh viện để sau này có thể sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Trường hợp sau khi anh Ngọc qua đời, vợ anh mới đi làm thụ tinh trong ống nghiệm thì con sinh ra có được xác định là con anh Ngọc không?

Gợi ý trả lời:

Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định: Người vợ hoặc người chồng sử dụng tinh trùng, noãn, phôi của người vợ hoặc người chồng bị chết “làm phát sinh các quan hệ ngoài quan hệ hôn nhân gia đình thì thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự”.

Khoản 1 Điều 93 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như sau: Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này.

Điều 88 quy định:

- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời Điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Điều 65 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết”.

Đối chiếu các quy định trên, do vợ anh Ngọc thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sau khi anh Ngọc chết tức là hôn nhân đã chấm dứt. Vì vậy, con sinh ra trong trường hợp này không được coi là con chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng anh Ngọc, vì hôn nhân của họ đã chấm dứt. Do vậy trên Giấy khai sinh của con, phần người cha sẽ để trống (do việc đăng ký khai sinh phải thực hiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con – Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014).

Khoản 1 Điều 90 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Vì vậy, muốn xác định cha cho con, vợ anh Ngọc phải làm thủ tục xác nhận cha cho con theo quy định tại Điều 102 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết. Sau khi làm thủ tục xác nhận cha, anh Ngọc mới được pháp luật thừa nhận là cha của đứa trẻ. Lúc này quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định pháp luật về hộ tịch (tức cơ quan đăng ký khai sinh sẽ ghi vào sổ hộ tịch anh Ngọc là cha, và ghi tên anh Ngọc vào phần ghi về người cha trên giấy khai sinh của con - Khoản 2 Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Vợ anh Ngọc có thể làm thủ tục cấp đổi Giấy khai sinh cho con để được ghi tên anh Ngọc là người cha trên Giấy khai sinh.

 



Lọc tài liệu
Loại tài liệu
Nhóm tài liệu:
Nội dung tìm kiếm:
Danh sách tài liệu
  • Xem thông tin tài liệu

Văn bản pháp luật

Thư viện Video

Vụ án hình sự về tội trộm cắm tài sản
Vĩnh Tường tổ chức tiết học ngoại khoá “Nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội” cho học sinh
Vụ án hành chính về yêu cầu huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023
Tiểu phẩm huyện Bình Xuyên
Tiểu phẩm huyện Sông Lô
Tiểu phẩm Tam Đảo
Cố ý gây thương tích và huỷ hoại tài sản
Tiểu phẩm Huyện Tam Dương
Tiểu phẩm Huyện Lập Thạch
Tiểu phẩm Huyện Yên Lạc
Ly hôn và chia tài sản chung
Phiên tòa giả định: Tranh chấp về kinh doanh, thương mại
Phiên tòa giả định: Tranh chấp kiện đòi quyền sử dụng đất
Hội nghị tập huấn trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Phiên Tòa giả định vụ án lao động về: "Xử lý kỷ luật sa thải"
Tuyên truyền Bộ Luật lao động
Hội thi "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19"
Hướng dẫn doanh nghiệp xử lý khi có ca bệnh Covid xuất hiện trong DN
Tọa đàm: Những điểm mới trong Quyết định số 21 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL
Phiên tòa giả định: lĩnh vực đất đai
Phiên tòa giả định: lĩnh vực hôn nhân
Cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp tại địa phương
Những quy định chung về quy hoạch theo luật quy hoạch 2017
KẾT QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Hoa về nẻo thiện
Tháo gỡ vướng mắc trong thi hành án dân sự
Hội thi Hòa giải 2016-Vòng Sơ khảo - Đội thi tỉnh Vĩnh Phúc
Bài học đắt giá
Những điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 bảo đảm quyền con người