Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật trẻ em, Bộ luật Dân sự,..và đặc biệt Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại Vĩnh Phúc, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện hơn 2.500 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Cụ thể, bạo lực giữa vợ, chồng với nhau: Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình có thể thấy là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình. Hành vi người chồng gây ra chủ yếu và lớn nhất là bạo lực về thể chất, đây là dạng dễ nhận thấy và bị lên án mạnh mẽ nhất. Sỡ dĩ đa phần người đàn ông sử dụng “nắm đấm” để dạy vợ là do họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi bạo lực của người chồng đều là bạo lực về thể chất mà có những lúc, họ dùng tới nhiều cách khác để gây ra những tổn thương về tâm lý cho người vợ: mắng mỏ, chửi bới, xúc phạm danh dự…; hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh tế…Bên cạnh đó, trong xã hội ngày nay, hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng cũng không phải là hiếm. Không chỉ dừng lại ở những lời lẽ chửi bới, những cách ứng xử thô bạo mà họ còn trực tiếp gây ra những tổn thương về thể chất hoặc tính mạng của người chồng.
Có thế khẳng định, bạo lực gia đình xuất phát từ cả hai phía vợ và chồng đang ngày càng phát triển và gây nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân của hiện tượng này rất nhiều, ngoài vấn đề tâm lý còn phải kể đến vấn đề đạo đức, kiến thức giải quyết mâu thuẫn gia đình…. Hậu quả của mỗi hành vi bạo lực gia đình trực tiếp hay gián tiếp đều tác động và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội như làm tổn thương về tinh thần đối với những người bị bạo hành; gây thương tích thân thể, thậm chí gây tử vong; vợ chồng ly thân dẫn đến ly hôn, gia đình tan vỡ, gây nhiều hậu quả xấu và nhiều vấn nạn xã hội phải giải quyết.
Từ thực tế đó, những năm qua, tại Vĩnh Phúc, việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được xác định là nhiệm vụ quan trọng, được cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện với mục đích bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều giải pháp tuyên truyền quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao kỹ năng ứng xử, giữ gìn hạnh phúc gia đình; xây dựng các mô hình, CLB Gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở...được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 237 mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống BLGĐ; 786 địa chỉ tin cậy; 229 đường dây nóng nhằm can thiệp, hỗ trợ nạn nhân khi bị bạo lực gia đình. Các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình đã giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của từng thành viên trong gia đình; thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, các kỹ năng ứng xử trong gia đình, kịp thời hòa giải các vụ bạo lực gia đình ở cơ sở; góp phần từng bước giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Từ khi có mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, các mâu thuẫn gia đình cơ bản được hòa giải ngay tại cơ sở, các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng được phát hiện, hạn chế thấp nhất hành vi bạo lực gia đình tiếp theo xảy ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha vẫn đang hàng ngày thâm nhập vào các gia đình; nhất là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Công tác triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, công tác nhận diện, phát hiện, thu thập báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình chưa khách quan, kịp thời. Cộng đồng xã hội chưa thể hiện thái độ phê phán kiên quyết, mạnh mẽ đối với những người gây ra bạo lực gia đình và xem đó là việc nội bộ của mỗi gia đình. Nhiều nạn nhân còn e ngại không mạnh dạn trình báo cơ quan chính quyền để được bảo vệ và kịp thời xử lý hành vi sai trái đối với người gây ra bạo lực gia đình...
Từ những vướng mắc, hạn chế nói trên, để công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới tiếp tục đạt được hiệu quả cao hơn nữa, rất cần sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó, cần rà soát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để quy định hình thức xử phạt hợp lý. Cần tuyên truyền sâu rộng, thiết thực để cộng đồng hiểu rằng bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật chứ không còn là vấn đề của riêng mỗi gia đình. Ngoài ra, để công tác tuyên truyền thực sự đi vào chiều sâu, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình.
Minh Huyền