Ngày 24/02/2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 49/KH-UBND triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở; Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Nghị quyết số 21/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện góp phần đưa công tác hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của người dân và xã hội, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
Nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác hòa giải ở cơ sở:Tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, chú trọng thu hút cán bộ công chức đã công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên; tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở bằng hình thức phù hợp
Nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Triển khai đồng bộ, hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm, mục đích, ý nghĩa thực hiện nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật; triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và tiêu chí thành phần về chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp và chuẩn đô thị văn minh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho đội ngũ tham mưu công tác tiếp cận pháp luật ở cấp huyện, xã
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật báo cáo Bộ Tư pháp, UBND tỉnh.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cấp dưới của mình phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; khuyến khích các thành viên, hội viên và vận động Nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và báo cáo kết quả triển khai thực hiện chung trong báo cáo công tác tư pháp năm 2023; kịp thời phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này; đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chỉ đạo việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên cơ sở tại địa phương.
Phan Bích