Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, Nhà nước ta luôn xác định hộ tịch là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước. Hộ tịch có mối quan hệ mật thiết với vấn đề dân cư. Thông qua công tác hộ tịch, Nhà nước xác nhận, bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân bằng các sự kiện pháp lý như khai sinh, khai tử, kết hôn, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, thay đổi, cải chính hộ tịch… Từ đó có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Hệ thống pháp luật về hộ tịch từng bước được xây dựng, hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội qua các thời kỳ từ Sắc lệnh đến Thông tư, Nghị định. Đặc biệt Luật Hộ tịch năm 2014 là văn bản pháp lý đầu tiên ở hình thức Luật điều chỉnh thống nhất, đầy đủ, toàn diện các vấn đề về hộ tịch trong nước, hộ tịch có yếu tố nước ngoài.
Xác định ý nghĩa, vai trò quan trọng của công tác hộ tịch, UBND tỉnh Vĩnh Phúc luôn coi trọng và quan tâm, chỉ đạo sát sao tới công tác hộ tịch nhằm kiện toàn, xây dựng hệ thống cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, góp phần ổn định an ninh, trật tự tại địa phương. Kịp thời ban hành 02 Quyết định, 01 Đề án, 04 Kế hoạch và đặc biệt là Chỉ thị số 09/CT-CT ngày 03/7/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Sau gần 07 năm triển khai thi hành, công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng.
Hệ thống cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch và đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch các cấp trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, kiện toàn, với 161 người làm công tác hộ tịch cấp xã, 17 người làm công tác hộ tịch cấp huyện. Đảm bảo trên 95% (có thời điểm đạt 100%) số công chức làm công tác tư pháp hộ tịch cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch được thực hiện thường xuyên. Riêng cấp tỉnh đã thực hiện: Mở 07 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp hộ tịch cho hơn 1.200 lượt người; phối hợp Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp mở 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, cấp chứng chỉ cho hơn 200 học viên; phát hành 02 sách hỏi đáp, nghiệp vụ hộ tịch; 01 Bản tin Tư pháp chuyên đề hộ tịch… Qua đó từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, hạn chế tình trạng vi phạm, sai sót trong thực hiện.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính được thực hiện hiệu quả bằng Phần mềm quản lý hộ tịch dùng chung được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/5/2018 đến nay. Tạo ra những ưu điểm vượt trội thay cho việc đăng ký thủ công theo cách truyền thống trước đây. Qua đó, đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện cấp số định danh cá nhân cho trường hợp dưới 14 đăng ký khai sinh lần đầu. Hiện nay trên hệ thống Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của tỉnh đã cập nhật và lưu trữ 336.380 thông tin hộ tịch được đăng ký. Trong đó có: 201.515 thông tin khai sinh; 40.442 thông tin kết hôn; 32.878 thông tin khai tử và 61.545 thông tin các việc hộ tịch khác.
Ngày 07/9/2022 Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1612/QĐ-CT công bố tái cấu trúc quy trình trực tuyến; quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử thực hiện tại UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi quan trọng, đảm bảo tích tích hợp cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm sử dụng thông tin cá nhân trong tiếp nhận thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Công tác phối hợp với các ngành, các cấp trong thực hiện công tác hộ tịch được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Triển khai thực hiện nghiêm túc việc liên thông dữ liệu trong đăng ký khai sinh và cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi cư trú trên địa bàn tỉnh theo Quy chế phối hợp số 494/QCPH-STP-BHXH ngày 11/5/2020 giữa Sở Tư pháp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đảm cải cách hành chính, rút ngắn thời hạn giải quyết.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý thực hiện công tác hộ tịch đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đặc biệt là tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công; công tác kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch các cấp, đặc biệt là cấp xã đảm bảo nâng cao năng lực, tiêu chuẩn, điều kiện luật định và yêu cầu thực tiễn quản lý của địa phương; đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch nhằm xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đầy đủ, đảm bảo kết nối và làm sạch dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu; tăng cường hiệu quả, trách nhiệm phối hợp các ngành, các cấp trong quản lý, sử dụng thông tin cá nhân đảm bảo phù hợp với thông tin hộ tịch được đăng ký. Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhân rộng mô hình tiến tiến trong tổ chức thực hiện và chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác hộ tịch được phát huy.
Mai Phương