Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Sáng 24/4, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú 

Tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số”. Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách đó. 

Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an thấy rằng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, trước yêu cầu của tình hình thực tiễn nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của 2 Luật này. Vì vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Luật nêu trên là cần thiết nhằm đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; hoàn thiện cơ sở pháp lý, đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Làm rõ các quy định về cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn

Đối với quy định tại Điều 33 (Khai báo tạm trú) Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Điều 2 dự thảo Luật), đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc Đồn Biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu” vào sau cụm từ “đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú" tại khoản 1 Điều 33 để phù hợp các Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu và các văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Cụ thể, đồng chí đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 33 như sau: “Điều 33. Khai báo tạm trú: 1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú hoặc Đồn Biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú".

Về các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao đánh giá quy định về đối tượng, trình tự cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong dự thảo hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong tình huống cần thiết. Vì vậy, Bộ Ngoại giao đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18 như sau “Cấp hộ chiếu phổ thông cho người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay, người không được phía nước ngoài cho cư trú, bị buộc xuất cảnh hoặc người tự nguyện về nước mà không còn hộ chiếu còn giá trị được quy định như sau…”. Bên cạnh đó, để phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đề nghị lược bỏ cụm từ “của Việt Nam” tại điểm d khoản 1a Điều 16 về việc sửa đổi thủ tục cấp hộ chiếu ở nước ngoài, cụ thể sửa đổi thành: “Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh người đại diện hợp pháp…” do người Việt Nam cư trú ở nước ngoài không có điều kiện xin giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. 

Về các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Nhập xuất cảnh của người nước ngoài, để giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong thủ tục cấp thị thực cho người nước ngoài một cách căn cơ, bền vững, phù hợp với phương châm “cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ là các dịch vụ chúng ta sẵn có” do Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đồng chí đề nghị thống nhất không áp dụng nguyên tắc mời đón, bảo lãnh đối với người nước ngoài nhập cảnh với mục đích du lịch, tìm hiểu thị trường. Ngoài ra, đối với trường hợp khách có nhu cầu cấp thị thực “truyền thống” với mục đích du lịch, tìm hiểu thị trường, đồng chí cho rằng cần có quy định để các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận hồ sơ xin thị thực của người nước ngoài và cấp thị thực cho khách sau khi có thông báo duyệt nhân sự của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Cảm ơn ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định, đại diện Ban soạn thảo hứa sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện Hồ sơ thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tuy nhiên vẫn cần xem xét lại tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Thứ trưởng cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát sự tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là với Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào và Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam – Campuchia. Đồng thời, Ban soạn thảo cần giải trình, làm rõ quy định cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn đối với trường hợp vì lý do nhân đạo, khẩn cấp; cân nhắc việc thay đổi thẩm quyền chủ trì việc đề xuất ký kết điều ước quốc tế. Về kỹ thuật soạn thảo văn bản, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ dự thảo Hồ sơ Dự án Luật và chỉnh lý cho phù hợp, thống nhất trong cách thuyết minh về căn cứ thực tiễn xây dựng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nguồn: moj.gov.vn

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Văn bản pháp luật

Thư viện Video

Mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023
Tiểu phẩm huyện Bình Xuyên
Tiểu phẩm huyện Sông Lô
Tiểu phẩm Tam Đảo
Cố ý gây thương tích và huỷ hoại tài sản
Tiểu phẩm Huyện Tam Dương
Tiểu phẩm Huyện Lập Thạch
Tiểu phẩm Huyện Yên Lạc
Ly hôn và chia tài sản chung
Phiên tòa giả định: Tranh chấp về kinh doanh, thương mại
Phiên tòa giả định: Tranh chấp kiện đòi quyền sử dụng đất
Hội nghị tập huấn trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Phiên Tòa giả định vụ án lao động về: "Xử lý kỷ luật sa thải"
Tuyên truyền Bộ Luật lao động
Hội thi "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19"
Hướng dẫn doanh nghiệp xử lý khi có ca bệnh Covid xuất hiện trong DN
Tọa đàm: Những điểm mới trong Quyết định số 21 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL
Phiên tòa giả định: lĩnh vực đất đai
Phiên tòa giả định: lĩnh vực hôn nhân
Cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp tại địa phương
Những quy định chung về quy hoạch theo luật quy hoạch 2017
KẾT QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Hoa về nẻo thiện
Tháo gỡ vướng mắc trong thi hành án dân sự
Hội thi Hòa giải 2016-Vòng Sơ khảo - Đội thi tỉnh Vĩnh Phúc
Bài học đắt giá
Những điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 bảo đảm quyền con người