Câu chuyện xảy ra tại một xưởng sản xuất đồ thủ công của huyện A, hôm nay tại xưởng đón một vị khách hàng tới thăm quan, hợp tác.
Anh Hải quản lý xưởng đang nghe điện thoại, nhận được tin có khách quý tới thăm quan xưởng để hợp tác anh nhảy cẫng lên mà quên mất là mình đang đứng ở trong xưởng sản xuất có rất nhiều người lao động đang làm việc. Thấy anh như vậy, tất cả đều nhìn nhau cười tủm tỉm.
Anh cười rồi nói với mọi người:
- Xưởng mình sắp có khách quý qua chơi. Lát nữa tôi sẽ mời khách xuống đây tham quan, cả nhà cùng cố gắng nhé! Anh nháy mắt với mọi người và nhanh chóng đi thay bộ quần áo tươm tất.
Chẳng mấy chốc khách hàng đến, hai người nói chuyện với nhau ... Rồi anh dẫn cô Mai (khách hàng) xuống xưởng sản xuất.
Xưởng sản xuất rộng khoảng 200 m2 , rộng rãi, sạch sẽ và thơm mùi mây tre. Xưởng có khoảng 50 người đang làm việc, trông ai cũng chăm chỉ, cần mẫn. Thấy cô, họ đều nở nụ cười và cúi chào. Cô cũng cúi chào lại họ. Cô say sưa ngắm nhìn các sản phẩm tinh xảo được tạo nên từ những đôi bàn tay tài hoa. Chợt cô thấy có mấy cậu bé tầm 14 - 16 tuổi, các cậu bé làm việc rất chăm chỉ, hăng say không kém các bà, các cô đã mấy chục năm gắn bó với nghề.
Cô nói với anh Hải:
- Anh Hải này, anh sử dụng lao động trẻ em à, thế là vi phạm pháp luật đấy!
Anh Hải trả lời:
- Cô yên tâm, mọi công việc của xưởng chúng tôi luôn tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là trong vấn đề tuyển dụng lao động.
Cô Mai thắc mắc:
- Thế sao tôi thấy có mấy bạn kia chắc chỉ tầm 14-15 tuổi, chúng đã đến tuổi thành niên đâu mà lại đi làm ở đây?
Anh Hải giải thích:
Theo quy định của pháp luật, khi sử dụng những người lao động chưa thành niên, phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định tại Điều 144 Bộ Luật Lao động năm 2019. Một là, lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách; Hai là, người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động; Ba là, khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; Bốn là, người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Tất cả những nguyên tắc này tôi đều tuân thủ.
Hơn nữa, công việc sản xuất tại xưởng cũng thuộc danh mục các công việc được cho phép sử dụng lao động chưa thành niên. Vì thế, tôi đảm bảo với chị là chúng tôi luôn tuân thủ đúng theo pháp luật nhé.
Cô Mai tiếp tục hỏi: Vậy khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi, xưởng mình đã thực hiện theo các quy định nào?
Anh Hải cười đáp:
- Bộ Luật Lao động năm 2019 cũng quy định rõ về vấn đề này tại khoản 1, Điều 145: Một là, phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; Hai là, bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; Ba là, phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng; Bốn là, bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.
Tất cả những việc trên, tôi đều tuân thủ hết. Các cháu đến đây làm việc đều có hợp đồng, bố mẹ các cháu cũng biết và hoàn toàn đồng ý. Tôi tạo điều kiện tối đa cho các cháu đi làm không ảnh hưởng đến việc học và phải đảm bảo về sức khỏe.
Nghe anh Hải giải thích, cô Mai mỉm cười hài lòng, hai người tiếp tục bàn việc ký hợp đồng hợp tác.
Minh Ngọc