Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số người được xét nghiệm dương tính với virus Sars-CoV-2 gia tăng thì B (22 tuổi), thường trú tại tỉnh P là lao động trở về từ vùng dịch. Khi trở về tỉnh P, B được cách ly tập trung tại Trường quân sự tỉnh. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi được cách ly, B được đưa vào Bệnh viện dã chiến tỉnh B do bị đau ở vùng ngực, bụng, lưng, tay chân mặc dù sức khoẻ vẫn bình thường, không sốt, không ho. Qua khai báo ban đầu, B cho biết đã xảy ra ẩu đả với đồng nghiệp tại nơi làm việc. Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh P, sau khi được chăm sóc y tế, B đã tỉnh táo, không sốt. Nhưng đến khoảng 8 giờ 30 phút sáng hôm sau, bác sĩ trong Bệnh viễn dã chiến tỉnh phát hiện B đã không còn ở trong phòng bệnh cách ly của Bệnh viện.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bệnh viện viện dã chiến tỉnh P đã báo cáo Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh P, để thông báo rộng rãi đến các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp, khẩn trương truy tìm bệnh nhân bỏ trốn cách ly.
Từ tình huống có thật ở trên chúng ta thấy hành vi trốn khỏi nơi cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 của B là vi phạm pháp luật. Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định có 07 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi "không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền" (khoản 7). Những trường hợp cố tình không tuân thủ các yêu cầu cách ly hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm về hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
- Hành vi của B sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế" ( Theo quy định: tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
- Trường hợp B bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
+ Nếu B gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
+ Nếu D gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.
Chính vì vậy, khi đã có quyết định cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đề nghị người được cách ly chấp hành nghiêm chỉnh để bảo đảm không chỉ là lợi ích, trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình, người thân của mình, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và là nghĩa cử cao đẹp với cả cộng đồng, xã hội. Sự chung tay của mỗi người dân thực hiện cách ly sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm này.
Minh Anh