Một số tình huống pháp luật về giao thông đường bộ

Tình huống 1. Công ty vận tải đường sắt X chuyên vận chuyển hàng hóa, trong một lần lực lượng chức năng thực hiện cân trọng tải toa chở hàng tại khu vực ga đã phát hiện mỗi toa xe trên tổng số 12 toa đều vượt quá tải trọng cho phép chở của toa xe là 10% nên bị yêu cầu hạ tải và bị xử phạt vi phạm hành chính. Tôi muốn hỏi, theo quy định của pháp luật, mức phạt đối với hành vi vi phạm của công ty vận tải đường sắt X là bao nhiêu?

Gợi ý trả lời:

          Hành vi chở hàng hóa vượt tải trọng cho phép chở của phương tiện đường sắt, vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường gây mất an toàn trong quá trình vận chuyển và gây tổn hại cho hệ thống cầu đường. Đối với hành vi này, pháp luật có quy định về xử phạt hành chính nêu tại điểm a, khoản 2 Điều 65 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sau đây gọi là Nghị định 100/2019/NĐ-CP) như sau: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến  5.000.000 đồng đối với tổ chức trực tiếp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện hành vi vận chuyển hàng hóa trên mỗi toa xe vượt quá tải trọng cho phép chở của toa xe trên 5% đến 40%.

          Như vậy, với hành vi chở hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép chở của toa xe nói trên, công ty vận tải đường sắt X có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Tình huống 2. Chị B thường xuyên đi du lịch bằng tàu hỏa, trong một lần đi tàu, trên toa hành khách của chị B có một vị hành khách vô tình làm bắt lửa vào hành lý gây nên đám cháy nhỏ, trong lúc nhân viên phục vụ hành khách chữa cháy phát hiện trên toa tàu này không có bình cứu hỏa, rất may đám cháy đã được dập tắt ngay sau đó và không gây ra thiệt hại lớn. Tuy nhiên, chị B có thắc mắc, việc trên tàu không được trang bị đầy đủ vật liệu chữa cháy thì có vi phạm pháp luật không, nếu có thì được quy định như thế nào về mức xử phạt? 

Gợi ý trả lời:

          Bất cứ phương tiện giao thông đường sắt nào, chuyên chở hành khách hoặc chuyên chở hàng hóa cũng đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, vì vậy, các phương tiện này cần phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị để ứng phó kịp thời khi có cháy nổ xảy ra. 

          Pháp luật có quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 61 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trưởng tàu, lái tàu phụ trách đoàn tàu thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: (i) Không có hoặc có không đầy đủ theo quy định trên tàu hàng về: thiết bị, dụng cụ, vật liệu chữa cháy; thuốc sơ, cấp cứu; dụng cụ chèn tàu; tín hiệu cầm tay; (ii) Không có hoặc có không đầy đủ theo quy định trên tàu khách về: thiết bị, dụng cụ, vật liệu chữa cháy; thuốc sơ, cấp cứu; dụng cụ thoát hiểm; dụng cụ chèn tàu; dụng cụ, vật liệu để sửa chữa đơn giản; tín hiệu cầm tay.

          Ngoài việc  bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

  • Thực hiện hành vi quy định tại mục (i) nêu trên buộc phải bổ sung đầy đủ theo quy định trên tàu hàng về: thiết bị, dụng cụ, vật liệu chữa cháy; thuốc sơ, cấp cứu; dụng cụ chèn tàu; tín hiệu cầm tay;
  • Thực hiện hành vi quy định tại mục (ii) buộc phải bổ sung đầy đủ theo quy định trên tàu khách về: thiết bị, dụng cụ, vật liệu chữa cháy; thuốc sơ, cấp cứu; dụng cụ thoát hiểm; dụng cụ chèn tàu; dụng cụ, vật liệu để sửa chữa đơn giản; tín hiệu cầm tay.

Tình huống 3. Chị A (40 tuổi) hiện đang ở một mình nuôi con gái học lớp 6. Để có tiền trang trải cuộc sống, lo tiền học phí cho con gái nên chị đã quyết định bán bánh mì trên ga tàu. Đoàn tàu dừng để đón, trả khách nên thời gian thường kéo dài khoảng 15 đến 20 phút, vì vậy chị phải mời chào, chèo kéo khách để bán hàng. Thông cảm cho hoàn cảnh của chị A, chị B nhân viên phục vụ hành khách trên tàu đã nhiều lần cho chị A lên tàu để bán hàng, gây mất trật tự trên tàu. Vậy trong trường hợp này, ai là người vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt? Mức xử lý vi phạm được quy định như thế nào?

Gợi ý trả lời:

          Việc buôn bán hàng rong trên tàu là hành vi trái pháp luật, vì vậy, chị A là cá nhân thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 73 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức xử phạt vi phạm hành chính như sau:

  • Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi bán hàng rong trên tàu, dưới ga.

Bên cạnh đó, trong trường hợp nêu trên, chị B là nhân viên phục vụ hành khách trên tàu nhưng lại nhiều lần cho phép chị A lên tàu bán hàng rong gây mất trật tự, vì vậy, chị B cũng vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 64 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP với mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi trưởng tàu, nhân viên phục vụ hành khách để người bán hàng rong trên tàu, để người không có vé đi tàu, để người lên, xuống tàu khi tàu đang chạy; để hành lý, hàng hóa ở hai đầu toa xe, bậc lên xuống hai đầu toa xe khi tàu đang chạy, trừ trường hợp để hành lý, hàng hóa của hành khách chuẩn bị xuống tàu khi tàu vào ga có tác nghiệp dừng, đỗ.

Tình huống 4. Buổi tối ngày 25/12/2022 anh N (35 tuổi) – nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu có tham gia bữa tiệc sinh nhật của bạn thân là anh M. Biết sáng hôm sau có lịch trình chạy chuyến tàu từ Phủ Lý về ga Hà Nội nên trước đó anh N đã nói với mọi người trong bữa tiệc là sẽ không sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, anh M lại nói rằng trong bữa tiệc sinh nhật của M mà anh N không uống rượu là không tôn trọng mọi người, đến khi nào anh N uống say thì mới được về nhà. Nể tình bạn, anh N đã tiếp tục tham gia buổi tiệc và uống rượu theo sự cố ép của M. Thấy bạn say, anh M đã dừng cuộc rượu để anh N về nhà. Sau một đêm nghỉ ngơi, anh N cảm thấy bản thân tỉnh táo và tiếp tục đi làm theo lịch trình đã định. Tuy nhiên, khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện nồng độ cồn trong máu của anh N vượt quá mức quy định cho phép. Trong trường hợp này, anh N bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng là hành vi nguy hiểm, gây mất an toàn trong tham gia giao thông. Trong  trường hợp này, anh N là nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (không phải lái tàu và phụ tàu) nhưng sử dụng rượu bia trước khi làm nhiệm vụ và qua kiểm tra có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định của pháp luật, như vậy, hành vi của anh N có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt phụ thuộc vào mức độ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở được quy định tại Điều 63 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
  • Phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
  • Phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
  • Khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
  • Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người thi hành công vụ;
  • Khi làm nhiệm vụ mà trong cơ thể có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Tình huống 5. Trong một lần có việc đột xuất phải đi xa, chị B ra ga tàu nhưng chị không kịp mua vé và chuyến tàu sắp khởi hành. Tuy nhiên, chị B lại được một người chỉ dẫn cứ lên chuyến tàu đó cho kịp rồi tìm nhân viên trên tàu mua vé tàu sau. Do đang vội nên chị đã nghe lời người đó, xin lên tàu trước và được chấp nhận, sau khi lên tàu, chị được một người xưng là nhân viên bán vé đưa cho tấm vé tàu với mức giá gấp đôi mức giá bán vé tại đại lý bán vé tàu, cảm thấy không hợp lý, nhưng vì đã lên tàu nên chị B chấp nhận mua tấm vé với mức giá đó. Như vậy,  người bán vé cho chị B có vi phạm quy định của pháp luật về bán vé tàu hay không? Nếu có thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trong trường hợp của chị B gặp nêu trên là hành vi bán vé tàu sai quy định của cá nhân, nhân viên bán vé, nhân viên phục vụ đường sắt, đây là một hành vi trái pháp luật và bị xử phạt hành chính với mức phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 72 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Nhân viên bán vé của nhà ga, nhân viên bán vé của đại lý bán vé tàu, nhân viên bán vé trên tàu bán vé tàu trái quy định;

- Mua, bán vé tàu nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Bên cạnh mức xử phạt đó, người mua, bán vé tàu cho chị B nhằm mục đích thu lợi bất chính còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 72 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, đó là tịch thu toàn bộ số vé tàu hiện có.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người đó còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 72 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Tình huống 6. T tham gia giao thông do vượt đèn đỏ nên bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe và kiểm tra giấy tờ. Do tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe, nên T đã bị lập biên bản cho 02 lỗi trên. Xin hỏi, lỗi tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe bị xử phạt như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Theo khoản 1 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau:

“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe.”

Như vậy, tự ý thay đổi màu xe máy không thực hiện đăng ký lại giấy chứng nhận đăng ký xe có thể sẽ bị phạt với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.

Căn cứ khoản 16 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi điểm s khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

"16. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1; điểm m khoản 7 Điều này buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này buộc phải thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định (lắp đúng loại kính an toàn);

c) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 4a, điểm g khoản 8 Điều này buộc phải thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe;

d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm e, điểm g khoản 9 Điều này buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông;

đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm h khoản 7, điểm d khoản 9, điểm a khoản 10, khoản 11, điểm a khoản 12 Điều này mà phương tiện đó có thùng xe, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở không đúng theo quy định hiện hành thì còn bị buộc phải thực hiện điều chỉnh thùng xe theo đúng quy định hiện hành, đăng kiểm lại và điều chỉnh lại khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông;

e) Thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm g, điểm h, điểm i khoản 7; điểm c khoản 8; điểm d, điểm đ khoản 9; điểm a khoản 10; khoản 11; khoản 12; khoản 13; khoản 14 Điều này nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

g) Thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4; điểm e, điểm g khoản 5; điểm c, điểm d, điểm l khoản 7; điểm b khoản 10 Điều này buộc phải làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên, đổi lại, thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định (trừ trường hợp bị tịch thu phương tiện).”

Như vậy, hành vi tự ý thay đổi màu xe máy tham gia giao thông ngoài bị xử phạt tiền theo mức phạt nêu trên thì còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải khôi phục lại màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định.

Tình huống 7. Anh H mới mua 1 chiếc xe tải 3,5 tấn dùng để chở hàng hóa của gia đình. Anh H  muốn hỏi, xe tải của mình có bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình hay không? Trường hợp bị cảnh sát giao thông phạt về lỗi không gắn thiết bị giám sát hành trình thì mức phạt là bao nhiêu theo pháp luật? 

Gợi ý trả lời:

Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Theo đó, xe ô tô của bạn dùng để chở hàng hóa của gia đình để phục vụ việc buôn bán thuộc trường hợp kinh doanh vận tải hàng hóa thì phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Căn cứ theo quy định tại điểm đ Khoản 6, điểm a khoản 10 và điểm h Khoản 11 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì hành vi sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm;

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải lắp đặt camera, thiết bị giám sát hành trình trên xe theo đúng quy định.

Tình huống 8. Chị X mua xe máy cũ để tiện đi làm, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, do bận công tác nên chị X chưa làm thủ tục sang tên xe máy. Xin hỏi, trường hợp nếu không lamg thủ tục sang tên xe máy bị xử phạt như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Căn cứ theo Điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô....

Như vậy, mức xử phạt với lỗi không thực hiện sang tên xe đã được quy định rất rõ, việc xử phạt áp dụng đối với cả chủ phương tiện là cá nhân hoặc tổ chức. Mức phạt dao động từ 600.000 đồng đến 800.000 đối với chủ phương tiện xe là cá nhân và từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đối với chủ phương tiện xe là tổ chức.

Tình huống 9.  Trong quá trình đi tập thể dục sáng sớm, người dân ở khu phố tôi phát hiện một chiếc xe tải chạy lại đổ đất, đá ra đường phố của khu phố của chúng tôi. Chúng tôi đã báo chính quyền xử lý. Hỏi người điều khiển xe thực hiện hành vi đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất thải ra đường phố thì bị xử phạt như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe thực hiện hành vi đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất thải ra đường phố bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo quy đinh tại khoản 5, khoản 6 Điều 20 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, họ còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.

Tình huống 10. Chị H đi xe khách từ L.C xuống H.N. Do bắt khách dọc đường nên số lượng người trên xe bị quá tải. Đi được ½ đường, lái xe và phụ xe đã chuyển chị H và một số hành khách sang một xe khác đi cùng chiều và gửi tiền xe cho xe khách đó. Chị H không đồng ý với hành động sang nhượng khách dọc đường cho xe khác như vậy. Xin hỏi việc tự ý sang nhượng hành khách thì lái xe và phụ xe đó có bị xử phạt không? Mức xử phạt như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 68 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về nghĩa vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô của người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành là đón, trả hành khách đúng nơi quy định.”

Do đó,trường hợp lái xe và phụ xe tự ý chuyển chị H sang một xe khách khác mà không được sự đồng ý của chị là trái với quy định pháp luật.

Theo quy định tại điểm điểm b Khoản 5, điểm a Khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP  về mức xử phạt đối với hành vi sang nhượng hành khách của lái xe  như sau:

“Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ

5.Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Sang nhượng hành khách dọc đường cho xe khác mà không được hành khách đồng ý; đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn;

8.Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 4 (trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện); Điểm c, Điểm d, Điểm e Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm h, Điểm i, Điểm k, Điểm l, Điểm m Khoản 5; Khoản 6; Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”

Bên cạnh đó theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 31 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành vi sang nhượng hành khách của nhân viên phục vụ trên xe như sau:

“Điều 31. Xử phạt nhân viên phục vụ trên xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sang nhượng hành khách dọc đường cho xe khác mà không được hành khách đồng ý; đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn;

Như vậy, trong trường hợp này, người lái xe xe khách chạy tuyến cố định bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; Phụ xe xe khách bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Nguồn: pbgdpl.moj.gov.vn

 



Lọc tài liệu
Loại tài liệu
Nhóm tài liệu:
Nội dung tìm kiếm:
Danh sách tài liệu
  • Xem thông tin tài liệu

Văn bản pháp luật

Thư viện Video

Vụ án hình sự về tội trộm cắm tài sản
Vĩnh Tường tổ chức tiết học ngoại khoá “Nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội” cho học sinh
Vụ án hành chính về yêu cầu huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023
Tiểu phẩm huyện Bình Xuyên
Tiểu phẩm huyện Sông Lô
Tiểu phẩm Tam Đảo
Cố ý gây thương tích và huỷ hoại tài sản
Tiểu phẩm Huyện Tam Dương
Tiểu phẩm Huyện Lập Thạch
Tiểu phẩm Huyện Yên Lạc
Ly hôn và chia tài sản chung
Phiên tòa giả định: Tranh chấp về kinh doanh, thương mại
Phiên tòa giả định: Tranh chấp kiện đòi quyền sử dụng đất
Hội nghị tập huấn trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Phiên Tòa giả định vụ án lao động về: "Xử lý kỷ luật sa thải"
Tuyên truyền Bộ Luật lao động
Hội thi "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19"
Hướng dẫn doanh nghiệp xử lý khi có ca bệnh Covid xuất hiện trong DN
Tọa đàm: Những điểm mới trong Quyết định số 21 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL
Phiên tòa giả định: lĩnh vực đất đai
Phiên tòa giả định: lĩnh vực hôn nhân
Cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp tại địa phương
Những quy định chung về quy hoạch theo luật quy hoạch 2017
KẾT QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Hoa về nẻo thiện
Tháo gỡ vướng mắc trong thi hành án dân sự
Hội thi Hòa giải 2016-Vòng Sơ khảo - Đội thi tỉnh Vĩnh Phúc
Bài học đắt giá
Những điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 bảo đảm quyền con người